Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

Giới thiệu về Rượu Cần Hòa Bình

Từ xa xưa, người Mường đã có tục uống rượu cần. Cần được làm bằng cây trúc hoặc thông nòng (rỗng ống). Ống rỗng còn đang tươi được hơ qua lửa rồi đem uốn tạo thành hình dáng tuỳ theo độ cong lượn của vò rượu. Đặc biệt, dáng của những chiếc cần phụ thuộc vào tính cách của người chủ nên không bộ cần nào giống bộ cần nào.


Bình đựng rượu cần là vật gia bảo, càng lâu càng trở thành quý hiếm và coi như một thứ của hồi môn. Để có được một vò rượu cần ngon thì từ cách làm đến cách uống phải thật công phu. Cách chế biến rượu cần như sau: lấy một nắm lá quế giã nhỏ trộn với bột gạo, nhào kỹ và nắm lại thành từng viên bằng quả trứng gà, đựng vào mủng, mặt bên dưới lót lá chuối khô và đem hong ra chỗ thoáng không có ánh nắng mặt trời để làm nên những bánh men, sau đó chùi sạch cám ở men. Gạo nếp đem ngâm rồi trộn một gạo hai cám đem đồ không đậy vung, dỡ ra để nguội rồi rắc bột men vào cơm nguội, đắp lá chuối lên, phơi khô, cho vào vò phủ một lần lá chuối, lấy tro nhào nước bịt kín lại. Sau từ 3 đến 5 ngày mở hé miệng vò, đổ nước suối sạch gần đến miệng mà ở đó có nan nứa cài rồi lấy lá rừng cho vào vò rượu và cắm cần tre vào miệng vò cùng uống.


Tục uống rượu cần thường có các cặp: chẵn đi với chẵn, lẻ đi với lẻ, dùng hai hoặc ba cần một lúc. Rượu hết đến đâu nước lại được cho thêm vào miệng vò sao cho mặt nước cho trong vò rượu lúc nào cũng mấp mé chực tràn miệng vò. Cũng có lúc, theo tục lệ, những người uống rượu cần chia thành hai phe, phe nào uống kém thì sẽ bị phe bên kia đổ nước lên đầu.


Tục uống rượu cần thể hiện cách uống rượu theo tập đoàn, đông và vui. Mọi người cùng vui cái vui của phong tục bản Mường.
Nếu có khách, chủ nhà trải chiếu vuông vắn giữa sàn rồi bưng vò rượu đặt chính giữa chiếu sau đó mời tất cả những người có mặt trong nhà ngồi vòng quanh. Sau những lời hỏi thăm sức khoẻ gia đình, quê quán, chủ nhà mời tất cả cùng chụm môi uống “của vườn, của suối cho bớt mệt nhọc đường xa”. Người Mường gọi đấy là uống bước một (cũng gọi là uống thông cần). Tiếp theo là uống đôi (chủ và khách), uống nam nữ, uống bốn người, uống sáu người và nhiều người nữa. Họ vừa uống vừa hát, hỏi thăm, hát mời, hát tiễn đưa, hát hẹn ước. Ngày nay, rượu cần đã trở thành đặc sản nổi tiếng trên toàn quốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét